Phương pháp chỉnh phao “CHỈNH THẤP CÂU CAO” kinh điển khi câu cá tự nhiên. Giải quyết vấn đề mồi câu không xuống đáy hoàn toàn
Trong quá trình đi câu rất nhiều cần thủ sử dụng cùng một phương pháp chỉnh phao, đó chính là số nấc phao chỉnh thấp và số nấc phao câu cao, ví dụ như chỉnh bằng câu 2, chỉnh 3 câu 5. Nhưng điều này thường dẫn đến tình trạng tìm đáy không chính xác. Vậy chúng ta nên làm sao để giải quyết vấn đề này đây? Bài viết này tôi muốn chia sẻ một số điểm như sau:
1/ Thế nào là “chỉnh thấp câu cao”?
2/ Giáo trình căn chỉnh ” chỉnh bằng câu 2″ kinh điển trong “chỉnh thấp câu cao”
3/ Những trường hợp nào cần áp dụng phương pháp “chỉnh thấp câu cao?”
4/ Một số nhược điểm của phương pháp “chỉnh thấp câu cao”
Dưới đây tôi xin đi sâu vào phân tích phương pháp chỉnh phao này.
Thế nào là “chỉnh thấp câu cao?”
Điều này liên quan đến số nấc phao chỉnh và số nấc phao câu trong quá trình căn chỉnh phao. Chỉnh thấp câu cao có nghĩa là số nấc phao chỉnh nhỏ hơn số nấc phao câu. Vậy, thế nào là số nấc phao chỉnh và số nấc phao câu? Nói một cách đơn giản, số nấc phao chỉnh chính là số nấc phao nhô lên khỏi mặt nước khi ta căn chỉnh phao, giống như 0 chính là dùng để chỉnh cân bằng (đỉnh của tăm phao bằng với mặt nước). Còn số nấc phao câu chính là số nấc phao câu nhô lên khỏi mặt nước khi ta móc mồi câu, ví dụ câu 2 chính là câu 2 nấc phao, 2 nấc nhô lên mặt nước.
Bài toán “chỉnh thấp câu cao” kinh điển “chỉnh bằng câu 2”
Các bước căn chỉnh phao:
Bước 1: Chỉnh phao chì chìm đáy
Có rất nhiều cần thủ cho rằng cách chỉnh này không cần thiết, nhưng thật ra là rất cần thiết. Mục đích của cách chỉnh này đó là: Thứ nhất, kiểm tra xem chì chặn có hoàn toàn kéo phao chìm hẳn xuống nước hay không, tránh tình trạng lượng phao ăn chì quá lớn khiến chì không kéo được phao chìm xuống đáy. Thứ hai, khoảng cách từ phao lưỡi câu phải ít hơn độ sâu của nước, như vậy khi chỉnh cân bằng mới không gặp tình trạng lưỡi câu chạm đáy khiến việc chỉnh phao không chính xác.
Bước 2:Khi cắt chì ta phải chú ý đến đỉnh chóp phao phải ngang bằng với mặt nước
Lúc này việc chỉnh cân bằng mới xong. Chú ý: Hai lưỡi câu phải ở trạng thái lơ lửng thì việc chỉnh cân bằng mới được coi là chính xác. Nếu lưỡi câu chạm đáy thì việc chỉnh cân bằng này không còn ý nghĩa gì nữa.
Bởi vì đây chính là điều kiện bắt buộc khi tìm đáy, hai lưỡi câu lơ lửng, đỉnh chóp phao ngang bằng với mặt nước, nhưng một khi tăm phao nổi lên trên thì chứng tỏ rằng lưỡi câu đã chạm đáy, phao không chịu sức nặng của lưỡi câu nên mới nổi lên trên. Đây chính là một trong những cơ sở để chúng ta tìm đáy.
Bước 3: Tiếp tục kéo phao lên trên, cho đến khi phao nhô lên trên mặt nước 2 nấc khi đó lưỡi câu dưới mới tìm đáy xong.
Có rất nhiều cần thủ thắc mắc rằng: Chỉnh bằng câu 2 thì 2 lưỡi câu đều đã chạm đáy rồi, vậy vì sao ở đây lại nói là lưỡi câu dưới chạm đáy? Về vấn đề này tôi sẽ tiến hành phân tích thông qua 2 trường hợp: Thứ nhất, nếu khoảng cách giữa hai lưỡi câu nhỏ hơn hoặc bằng số nấc phao ( 2 nấc), vậy thì khi kéo phao lên 2 nấc thì lưỡi câu sẽ chìm xuống 2 nấc, trong trường hợp này lưỡi câu trên cũng vừa chạm đáy. Trường hợp thứ hai nếu khoảng cách giữa hai lưỡi câu lớn hơn 2 nấc thì lưỡi câu trên sẽ không chạm đáy được.
Ví dụ khoảng cách giữa hai lưỡi câu là 4 nấc, ta kéo phao lên trên 2 nấc, lúc này khoảng cách giữa lưỡi câu trên và mặt đáy cách khoảng 2 nấc mà nếu chúng ta muốn làm cho hai lưỡi câu đều chạm đáy thì phải tiếp tục kéo lên 2 nấc nữa, như vậy lưỡi câu trên mới chạm đáy được.
Vậy thì lúc này có người sẽ thắc mắc rằng: Lúc đầu không phải bảo là “chỉnh bằng câu 2” ư, sao bây giờ lại trở thành ” chỉnh bằng câu 4″ rồi? Thực ra mục đích căn chỉnh phao không phải để phao hiển thị số nấc cố định, mà là để cho mồi câu có thể chạm được đến đáy. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm tính 2 nấc phao câu thì mồi câu ở hai lưỡi câu không cách nào cùng chìm xuống đáy được.
Bước 4: Khi móc mồi câu ta chỉ cần chỉnh sơ một chút là có thể tiến hành câu.
Mục đích của việc chỉnh sơ này đó là vì có khi đáy nước không bằng phẳng, ví dụ như xung quanh đó có hố sâu lồi lõm thì sau khi móc mồi sẽ trở thành 1 nấc hoặc mất phao, lúc này ta cần phải kéo lên 1 nấc nữa. Hoặc là khi trong hồ có đá hoặc những thứ khác, chúng ta đều cần có bước chỉnh sơ này. Chỉ khi bạn câu cá ở bể cá nhân tạo hoặc ở trong thùng chỉnh phao mới không cần chỉnh sơ, còn hễ câu cá tự nhiên thì bắc buộc phải có bước này.
Những trường hợp nào cần áp dụng phương pháp “chỉnh thấp câu cao?”
Khi chúng ta đi câu tự nhiên gặp phải tình trạng cá tạp nhiều, quậy ổ dữ dội.
Lúc này ta có thể kéo phao lên trên cho dây thẻo uốn cong càng nhiều cáng tốt, câu càng lụt, như vậy cá nhỏ khi ăn mồi sẽ không hiển thị tín hiệu phao, còn cá lớn ăn mồi sẽ không bị ảnh hưởng gì. Về cơ bản tín hiệu cá ăn sẽ là kéo phao hoặc mất phao, đây là tín hiệu phao thường gặp trong quá trình câu cá tự nhiên.
Khi gặp gió to hoặc có dòng chảy ngầm dưới đáy nước sẽ xuất hiện tình trạng trôi phao.
Trong trường hợp này chúng ta sử dụng phương pháp “chỉnh thấp câu cao” để chỉnh đường câu thành trạng thái hai mồi chạm đáy. Còn khi gió quá to sóng quá lớn ta thậm chí có thể chỉnh đến trạng thái chì chìm xuống đáy để giải quyết vấn đề trôi phao một cách hoàn hảo.
Khi ta câu cá ở tầng đáy là chủ yếu, ví dụ như cá diếc, cá chép, cá trắm cỏ, cá tra, cá lóc, cá trê vàng…
Khi ta câu cá tầng đáy là chủ yếu thì ta có thể áp dụng phương pháp chỉnh phao” chỉnh thấp câu cao”, nhưng nếu khi ta câu cá ở tầng trên là chủ yếu, ví dụ như cá mè, cá ngão…thì cách này sẽ không hợp lý.
Khi câu các loại cá cũ, cá tinh khôn, khi cá thử mồi hoặc cá chạm vào dây thẻo dẫn đến tín hiệu phao giả.
Có một số loài cá cũ tinh khôn trước khi ăn mồi thường thích dùng thân nó chạm vào dây câu hoặc ngậm một cục mồi rồi nhả ra ngay sau đó để thăm dò trước. Lúc này ta sử dụng phương pháp “chỉnh thấp câu cao” thì mồi câu sẽ chìm xuống đáy, giảm bớt tín hiệu giả phát sinh trong quá trình cá va chạm vào dây câu, và cá cũng sẽ không cảm nhận được lực kéo của dây câu đối với mồi câu khiến nó ăn mồi mạnh dạn hơn.
Nhược điểm của phương pháp “chỉnh thấp câu cao”
Khi điểm câu có lớp bùn lắng hoặc phù sa dày, mồi câu thường chìm vào trong lớp bùn lắng này, lúc này cá gần như không ăn được mồi.
Lúc này ta cần phải cắt chỉnh chì, chỉnh thành câu lửng. Trước tiên ta cần phải dự đoán sơ bộ độ dày của lớp bùn lắng, sau đó tiến hành cắt chì, kéo phao xuống, cho đến khi mồi ở trạng thái lơ lửng là được.
Không cách nào xác định được mồi câu đã tan hoàn toàn hay chưa (tình trạng hết mồi) thông qua nhìn qua nấc phao câu.
Ví dụ như khi mồi câu của hai lưỡi đều chạm đáy hoặc khi lưỡi câu không hề móc mồi thì số nấc phao câu cũng không thay đổi. Nhưng khi ta chỉnh 4 nấc, câu 2 nấc thì khi hết mồi phao câu sẽ tự động trồi lên thành 4 nấc một cách rất rõ ràng.